
Ngày còn bé, tôi và đám bạn thường dành nhiều thời gian để chơi đùa với lửa. Đó là những buổi tối mất điện, tôi ngồi mân mê núm điều chỉnh và ngắm nhìn ánh lửa của ngọn đèn dầu. Hoặc có những ngày hè, chúng tôi thi nhau nhặt cành khô để nhóm lửa nấu cơm trong chiếc lon sữa cũ rỉ. Còn vào ngày đông giá rét, chúng tôi cùng nhau vun đám lửa dưới chân cột điện, xuýt xoa hơ lửa để sưởi ấm và cười rinh rích với nhau. Em trai tôi cũng mê nghịch lửa và suýt trở thành tội đồ của cả nhà khi bật diêm để ngắm nhìn ngọn lửa từ chiếc thảm cói trong nhà kho.
Những năm 80-90, khi mà điện là một thứ xa xỉ của miền Bắc thì gia đình nào cũng có bếp dầu và tích trữ đèn dầu (hoặc nến) để nấu ăn và sinh hoạt mỗi khi mất điện. Với lũ trẻ thời ấy, lửa là một thứ gì đó quá đỗi thân thuộc, vì nếu không phải nấu cơm bằng bếp dầu thì cũng có rất nhiều kỷ niệm vui chơi và học bài bên ánh lửa. Sau này điện ổn định, người ta dần lãng quên ngọn lửa đỏ: bếp điện bếp từ thay thế bếp dầu, đèn điện được bật cả ngày cả đêm, từ trong nhà ra ngoài ngõ; chỉ còn nến giữ vai trò trang trọng trong các nghi lễ Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, thờ cúng tổ tiên của các gia đình, trong những buổi lễ hội hoặc bữa tiệc sinh nhật.
Khi ngắm nhìn ngọn lửa, tôi thấy thật diệu kỳ bởi vì nó vừa thật lại vừa ảo – thật vì nhìn thấy được bằng mắt và ảo vì không nắm giữ được bằng tay. Ngọn lửa còn cho tôi cảm giác ấm áp, giúp tôi sưởi ấm trái tim và xua tan biết bao “ưu phiền”,…
Thích ánh lửa là thế nhưng tôi lại rất sợ phải thổi nến bởi vì lúc ấy tôi thấy khói đen tỏa lên nghi ngút và ngửi mùi khen khét khó chịu. Khi đó, tôi thường ước một ngày nào đó dùng một ngọn nến thanh khiết và thơm đến tận lúc thổi đi.
Vậy là niềm mong ước từ thuở bé nay đã thành hiện thực, giờ đây tôi có thể ngắm nhìn những chiếc nến Cocolight của BeHappy House mềm mịn, trắng trong và dịu mát hương thiên nhiên. Đặc biệt, lúc thổi tắt ngọn nến, một làn khói trắng nhè nhẹ bay lên và hương thơm dịu dàng cũng dần dần tan biến.
Ngọc Anh